Vào dịp tết, sự thiếu điều độ trong đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi... có thể khiến cho nhịp sinh học bị đảo lộn, gây ra bệnh tật. Các vấn đề về sức khỏe có thể chỉ là chứng cảm cúm, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa..., nhưng cũng có thể là các tai biến nguy hiểm. Tết còn là thời điểm con người dễ bị stress, dẫn đến sa sút tinh thần và thể chất, giảm sức miễn dịch. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy và ngộ độc thức ăn cũng hay xảy ra vào mùa tết. Đối với trẻ em chú ý các bệnh dễ mắc bệnh trong thời gian này như sốt xuất huyết, viêm phổi, tiêu chảy, trái rạ, rubella.
An toàn vệ sinh thực phẩm lâu nay đã trở thành một vấn nạn, thị trường luôn đầy rẫy sản phẩm không an toàn. Từ rau củ quả nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại dùng để bảo quản trái cây lâu ngày không bị hư cho đến việc tạo màu sắc bắt mắt. Thịt, cá tồn dư kháng sinh, bị tẩm hóa chất bảo quản, thực phẩm chế biến chứa formol, hàn the. Bánh kẹo, mứt sử dụng toàn hóa chất, màu công nghiệp lòe loẹt... Đó cũng chính là những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Thông thường khi đến ngày lễ tết, mọi người hay cho phép mình "tới bến" và bỏ quên chế độ ăn uống, tập luyện thường xuyên. Để rồi sau một tuần "xả láng", cơ thể uể oải không muốn bắt đầu lại công việc. Vậy để hòa mình trong không khí vui tươi ngày tết, chúng ta cũng cần giữ gìn sức khỏe thật tốt để hưởng một cái tết trọn vẹn.
Để làm được điều đó, trước tiên ta phải bố trí thời gian sinh hoạt hợp lý, điều độ. Không nên thức quá khuya, nhất là đối với người cao huyết áp, bệnh tim mạch. Tranh thủ nghỉ trưa tối thiểu 30 phút hàng ngày.
Bên cạnh đó, ta nên thường xuyên sử dụng nguồn thực phẩm nhiều nước, giàu chất xơ như các loại rau, củ, quả, ngũ cốc, bánh mì đen thay cho những loại thực phẩm có nhiều chất béo và bột đường. Những thực phẩm loại này không chỉ giúp ta đạt được cảm giác ăn đủ và ăn no, mà còn giúp ta kiểm soát được phần năng lượng đưa vào. Ăn uống vừa phải, không quá no. Những loại thức ăn nhiều chất béo như thịt ba rọi, bánh tét nhân mỡ, lạp xưởng nên hạn chế, và ăn kèm với thực phẩm lên men như dưa cải, kim chi nhằm tăng khả năng tiêu hoá nhờ sự hoạt động của các loại men vi sinh. Thực phẩm để quá 6 giờ đều phải hâm nóng lại. Tốt nhất là ăn ngay sau khi chế biến. Nên hạn chế việc thêm chất béo vào món ăn như: dùng cách hấp để chế biến món ăn thay cho việc xào hay chiên, nếu bắt buộc phải chiên xào thì dùng dầu thực vật thay cho mỡ…
Ngoài ra, khi tiếp xúc với bạn bè, không nên uống rượu quá say. Rượu làm tăng kích thích, nói chuyện hoạt bát, hưng phấn, vui vẻ, nhưng khi uống quá nhiều, rượu lại ức chế thần kinh, khiến người uống không kiểm soát được lời nói, hành vi, đâm ra mất vui. Cũng không nên uống những loại thuốc làm "tăng đô", thực chất những thuốc giả rượu đều làm cho quá trình chuyển hóa rượu nhanh hơn, chứ không phải làm không say.
Cũng cần nên tránh tiếp xúc với môi trường nhang khói, tuyệt đối không hút thuốc trong lúc bị tắt tiếng. Khói thuốc là nguyên nhân đứng đầu trong các nguyên nhân làm cổ họng bị khô. Ngoài ra, cần uống nhiều nước để giúp cho cổ họng giữ ẩm nhiều hơn. Nên uống nước lạnh hoặc nước trái cây. Nước trà quá đậm và các loại rượu có thể làm cổ họng có cảm giác khô hơn.
Để xử trí kịp thời những bệnh tật hoặc tai nạn có thể xảy ra trong mấy ngày Tết, mỗi gia đình nên dự trữ sẵn một số thuốc và dụng cụ y tế. Ngoài ra, cũng nên đi tư vấn bác sĩ về những thông tin cần thiết cho sức khỏe của bạn cũng như gia đình bạn. Nếu bạn không có thời gian đi đến bác sĩ, bạn có thể truy cập vào những website về sức khỏe để được tư vấn. bacsi.com là một địa chỉ đáng tin cậy cho bạn, luôn cung cấp những thông tin về sức khỏe, những nghiên cứu của các bác sĩ trong và ngoài nước.