Theo truyền thống người Việt ta từ ngàn đời nay, cứ mỗi độ xuân về
tết đến, người ta lại chuẩn bị hai thứ bánh truyền thống là bánh chưng, bánh giầy để dâng cúng lên tổ tiên. Đây là một nét đẹp văn hóa mang đầy tính nhân văn trong tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam.
Là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong
ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại, bánh chưng, bánh giầy có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt và nguồn gốc của nó có thể truy nguyên từ truyền thuyết liên quan đến hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ VI.
.JPG&container=blogger&gadget=a&rewriteMime=image%2F*)
.jpg&container=blogger&gadget=a&rewriteMime=image%2F*)
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia khi Vua Hùng thứ VI muốn truyền ngôi báu lại cho các vị hoàng tử, Người đã cho mở cuộc thi kén chọn người tài giữa các người con của mình. Trong khi các vị hoàng tử khác cử người đi khắp mọi miền để tìm kiếm của ngon, vật lạ, dâng lên vua cha thì Lang Liêu, người con út thứ 18 của Vua Hùng, vẫn chưa nghĩ ra món ăn để cúng tiến Tổ tiên. Ngày hội đến gần, Lang Liêu thức trắng đêm để tìm ra món ngon, vật lạ. Đêm ấy, khi chợp mắt, trong giấc mơ của mình, ông đã được một bà tiên chỉ bảo cho cách làm ra những món ngon từ những vật phẩm rất đỗi bình thường. Bừng tỉnh giấc, nhớ lại giấc mơ kì lạ hôm qua, Lang Liêu nhận thấy không có gì quý hơn lúa gạo nhân dân trồng, không có gì rộng lớn bao la như trời đất nhân dân sống. Làm theo lời dạy, Lang Liêu đã dùng gạo nếp thật ngon làm thứ bánh chưng với nhân mỡ hành, đậu xanh, bên ngoài bọc lá, gói vuông vức tượng trưng cho đất, lấy gạo thổi xôi giã nhuyễn làm thành thứ bánh giầy tròn tượng trưng cho trời để dâng lên vua cha.

.jpg&container=blogger&gadget=a&rewriteMime=image%2F*)
Khi các quan khảo thí cùng vua cha nếm thử, người đã tỏ ra rất hài lòng. Người cho rằng đây là hai thứ bánh độc đáo nhất, hương vị khác thường được làm từ những nguyên liệu bình thường. Nó bày tỏ lòng hiếu thảo của một người con đối với cha mẹ, tôn cha mẹ lớn như Trời Đất. Nó là hình ảnh của quê hương với màu xanh của ruộng đồng, sông núi. Nó được làm ra từ những hạt ngọc quý nhất của thiên nhiên, những hạt ngọc ấy lại dễ tìm bởi ai cũng có thể làm cho nó sinh sôi trên mảnh đất của mình. Những chiếc bánh trông thật giản dị nhưng phải là một người tài cao, đức rộng mới có thể nghĩ ra.
.JPG&container=blogger&gadget=a&rewriteMime=image%2F*)
Hoàng tử Lang Liêu chiến thắng trong cuộc thi nhờ vào tài đức của mình và trở thành vị Vua Hùng thứ VII của dân tộc ta. Ông là người có đức hạnh cao quý, tính tình hiền lành, nhân hậu, sống giản dị vì vậy mà cuộc sống của nhân dân ta dười thời Vua Hùng thứ VII rất bình yên và sung túc. Cũng từ đó, truyền thống gói bánh chưng, bánh giầy trong các dịp lễ tết, giỗ Tổ đã trở thành thói quen văn hóa của những người con đất Việt.
Câu chuyện được nghe, kể và truyền tai lại từ nhiều đời nay, để bây giờ trở thành sự tích mà ai ai là người con đất Việt cũng đều thuộc nằm lòng. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc; là lời giải thích ý nghĩa nguồn cội của của bánh chưng, bánh giầy trong văn hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước.