Nét đẹp truyền thống - bánh chưng, bánh giầy

00:16 |
Theo truyền thống người Việt ta từ ngàn đời nay, cứ mỗi độ xuân về tết đến, người ta lại chuẩn bị hai thứ bánh truyền thống là bánh chưng, bánh giầy để dâng cúng lên tổ tiên. Đây là một nét đẹp văn hóa mang đầy tính nhân văn trong tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam.



Là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại, bánh chưng, bánh giầy có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt và nguồn gốc của nó có thể truy nguyên từ truyền thuyết liên quan đến hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ VI.




Truyền thuyết kể rằng, xưa kia khi Vua Hùng thứ VI muốn truyền ngôi báu lại cho các vị hoàng tử, Người đã cho mở cuộc thi kén chọn người tài giữa các người con của mình. Trong khi các vị hoàng tử khác cử người đi khắp mọi miền để tìm kiếm của ngon, vật lạ, dâng lên vua cha thì Lang Liêu, người con út thứ 18 của Vua Hùng, vẫn chưa nghĩ ra món ăn để cúng tiến Tổ tiên. Ngày hội đến gần, Lang Liêu thức trắng đêm để tìm ra món ngon, vật lạ. Đêm ấy, khi chợp mắt, trong giấc mơ của mình, ông đã được một bà tiên chỉ bảo cho cách làm ra những món ngon từ những vật phẩm rất đỗi bình thường. Bừng tỉnh giấc, nhớ lại giấc mơ kì lạ hôm qua, Lang Liêu nhận thấy không có gì quý hơn lúa gạo nhân dân trồng, không có gì rộng lớn bao la như trời đất nhân dân sống. Làm theo lời dạy, Lang Liêu đã dùng gạo nếp thật ngon làm thứ bánh chưng với nhân mỡ hành, đậu xanh, bên ngoài bọc lá, gói vuông vức tượng trưng cho đất, lấy gạo thổi xôi giã nhuyễn làm thành thứ bánh giầy tròn tượng trưng cho trời để dâng lên vua cha.




Khi các quan khảo thí cùng vua cha nếm thử, người đã tỏ ra rất hài lòng. Người cho rằng đây là hai thứ bánh độc đáo nhất, hương vị khác thường được làm từ những nguyên liệu bình thường. Nó bày tỏ lòng hiếu thảo của một người con đối với cha mẹ, tôn cha mẹ lớn như Trời Đất. Nó là hình ảnh của quê hương với màu xanh của ruộng đồng, sông núi. Nó được làm ra từ những hạt ngọc quý nhất của thiên nhiên, những hạt ngọc ấy lại dễ tìm bởi ai cũng có thể làm cho nó sinh sôi trên mảnh đất của mình. Những chiếc bánh trông thật giản dị nhưng phải là một người tài cao, đức rộng mới có thể nghĩ ra.


Hoàng tử Lang Liêu chiến thắng trong cuộc thi nhờ vào tài đức của mình và trở thành vị Vua Hùng thứ VII của dân tộc ta. Ông là người có đức hạnh cao quý, tính tình hiền lành, nhân hậu, sống giản dị vì vậy mà cuộc sống của nhân dân ta dười thời Vua Hùng thứ VII rất bình yên và sung túc. Cũng từ đó, truyền thống gói bánh chưng, bánh giầy trong các dịp lễ tết, giỗ Tổ đã trở thành thói quen văn hóa của những người con đất Việt.



Câu chuyện được nghe, kể và truyền tai lại từ nhiều đời nay, để bây giờ trở thành sự tích mà ai ai là người con đất Việt cũng đều thuộc nằm lòng. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc; là lời giải thích ý nghĩa nguồn cội của của bánh chưng, bánh giầy trong văn hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước.
Xem chi tiết …

Hấp dẫn với xôi 7 sắc xứ Mường Khương

17:13 |
Ngoài màu sắc đẹp mắt, món xôi còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được đồng bào người Nùng Dín (Mường Khương, Lào Cai) hết giữ giữ gìn và trân trọng.

Tới các phiên chợ Lào Cai, ngoài hình ảnh những cô thiếu nữ căng tràn xúng xính váy áo sắc màu, bạn còn dễ dàng bắt gặp những thúng xôi bảy màu dẻo thơm, đậm đà hương vùng cao.

Xem chi tiết …

Lạ miệng với cà tím xào tôm

17:02 |
Không chỉ nướng mỡ hành hay dùng trong nấu lẩu, cà tím còn sử dụng để xào với tôm, rất ngon và hao cơm.


Xem chi tiết …

Hãnh diễn với bánh chưng Việt Nam lọt vào top 10 món ăn lễ hội thế giới

15:55 |

Bánh chưng, bánh giầy ngày Tết Việt Nam

Tạp chí National Geographic nhận định rằng, ngày Tết âm lịch Việt Nam vô vùng quan trọng, nó đánh dấu một năm cũ đã qua, một mùa xuân lại đến. Ngày Tết Nguyên Đán chính là thời điểm để đoàn tụ gia đình và ăn những bữa cơm sum họp. Trong những ngày này, hạt bí đỏ, ô mai trái cây, mứt… là những món ăn được đem ra mời khách. Hơn thế, bánh chưng và bánh giầy chính là những món ăn mang đậm tính truyền thống và đặc trưng cho bữa cơm ngày Tết.

Xem chi tiết …

Một ly Cocktail bắt đầu một năm mới hoàn hảo!

09:28 |
Những ngày lễ, tết mọi người thường quây quần, sum họp bên nhau với những món ăn ngon và những ly bia, rượu làm cho không khí trở nên vui vẻ, náo nhiệt hơn. Và để bắt đầu cho một năm mới chúng ta cũng có thể lựa chọn cho mình một ly rượu cocktail đầy màu sắc, mùi vị hấp dẫn. Rượu Cocktail rất phù hợp cho những ngày lễ, tết và đặc biệt cho dịp năm mới bởi nó mang nhiều hương vị dịu mát từ thiên nhiên, đậm đà đầu môi mà không khiến bạn say.

Làm sao có được một ly rượu cocktail ngon tuyệt như vậy? Chúng ta không cần phải đi đâu xa mà có thể pha chế ngay tại nhà để chiêu đãi bạn bè, người thân với tư cách là một người chủ nhà và là một bartender cho bữa tiệc ngay chính tại nhà mình.

Xem chi tiết …

CÁ KHO - MÓN NGON NGÀY TẾT CHÔNG NGÁN

10:54 |
Ẩm thực Tết - Du Lịch Tết 


Ăn nhiều các loại thịt trong ngày Tết chắc chắn sẽ mang lại cảm giác ngán và chán ăn. Vì thế, thay đổi khẩu vị với nồi cá kho thơm nức mùi riềng, sả chắc chắn sẽ khiến bữa ăn thêm hấp dẫn hơn nhiều.
Nguyên liệu:
- Cá trắm, cá trôi...
- Riềng, sả
- Đường, nước mắm
- Lá chè xanh


Cách làm:
Bước 1: Riềng thái lát mỏng, sả đập dập, lá chè xanh rửa sạch, tất cả lần lượt đem lót xuống phía dưới đáy nồi.


Bước 2:
 Xếp cá vào nồi, chế lượng nước mắm ngập 1/3 miếng cá, ướp khoảng 30 phút cho cá ngấm và nước từ miếng cá tiết ra giúp thịt cá đanh lại. Sau đó đậy vung và đun to lửa cho cá sôi bùng khoảng 5 phút rồi tắt bếp, để cá nghỉ 30 phút - 1h rồi mới bật bếp đun cá sôi lại lần 2.


Bước 3:
 Cho vài thìa cà phê đường vào chảo, vừa đun với quấy đều tay đến khi thấy đường ngả màu vàng cánh gián thì chế nước nóng vào đun cùng để làm nước hàng.


Bước 4:
 Đổ phần nước hàng vừa chưng vào nồi cá đang sôi, lưu ý lượng nước phải ngập mặt cá.


Bước 5:
 Nếu muốn chế thêm nước để kho, nhất thiết phải sử dụng nước sôi các bạn nhé, dùng nước lạnh là cá sẽ bị tanh đấy.


Bước 6:
 Nêm nếm lại gia vị sao cho cá có độ mặn vừa miệng rồi đậy vung, hạ nhỏ lửa rồi tiếp tục đun đến khi nước cạn, cá chín nhừ và chuyển màu nâu bóng rất đẹp mắt.


Với mẹo kho cá gồm 3 bước cơ bản: Đun cá với nước mắm cho thịt cá chắc lại, đổ nước hàng khi đang sôi để cá khỏi tanh, đun 2 lửa giúp cá được ngấm chắc chắn bạn sẽ có được 1 nồi cá kho ngày Tết với hương vị thật thơm ngon, và khi gắp vẫn giữ nguyên miếng, không bị vỡ nát.



Chúc các bạn thành công và ngon miệng trong những ngày Tết với cá kho nhé!
Xem chi tiết …

HƯƠNG VỊ GỎI NGÀY TẾT

10:37 |
Ngày Tết, các món ăn trong mâm cỗ đa số có nhiều đạm vì thế dễ gây cho người thưởng thức cảm giác ngán. Vì thế, các chị em có thể làm các món gỏi chua ngọt ăn kèm các món khác. Như vậy, vừa tạo được hương vị hấp dẫn cho bữa ăn mà còn có tác dụng chống ngán rất tốt.

Các món như gỏi gà xé phay bóp rau, gỏi gà trộn hành tây, gỏi xoài tôm thịt, sung trộn tôm thịt phù hợp và rất dễ làm với cả khẩu vị của 3 miền. Chị em có thể tham khảo cách làm dưới đây nhé:

Gỏi gà xé phay bóp rau (bóp thấu)

Nguyên liệu:

- Gà ta
- Bắp cải
- Hành tây
- Rau răm
- Chanh, tỏi, ớt, dấm

Ẩm thực Tết - Du Lịch Tết
Cách làm:

- Thịt gà sau khi sơ chế, các bạn xát muối hột khắp mình gà rồi xả sạch với nước. Cho gà vào nồi luộc chín, kiểm tra xem gà chín chứ bằng cách sau khi gà sôi được khoảng 20 phút, dùng đầu đũa xiên thử vào phần đùi gà. Nếu thấy nước đỏ không còn tiết ra nữa tức là thịt gà đã chín. Vớt gà ra để nguội rồi lọc lấy thịt, xé miếng nhỏ.

- Rau bắp cải tách riêng từng lá, rửa kĩ rồi ngâm với nước muối pha loãng khoảng 20 phút, vớt ra vẩy thật ráo rồi đem thái chỉ.

- Hành tây bóc vỏ, thái thật mỏng. Ngâm hành trong 1 bát nước lạnh có nhỏ vài giọt giấm để khử bớt vị hăng của hành. Nếu không quen ăn hăng, các bạn có thể lặp lại thao tác trên vài lần nhé.

- Pha nước trộn gỏi gồm: tỏi ớt băm nhỏ, bột canh, dấm và nước cốt chanh tạo vị chua mặn vừa ăn (vị ương tự như cách chúng ta pha gia vị chấm thịt gà luộc).

- Cho thịt gà, bắp cải, hành tây, 1/2 lượng rau răm vào bát, rưới nước trộn gỏi rồi trộn đều cho tất cả các nguyên liệu ngấm gia vị.

Sau khoảng 30 phút thì món gỏi của chúng ta đã có độ ngấm, thấu. Các bạn trộn nốt 1/2 lượng rau răm còn lại rồi bày ra đĩa để cùng gia đình thưởng thức nhé.

Gỏi gà trộn hành tây

Nguyên liệu:

- 500g lườn gà luộc chín

- 2 củ hành tây

- ½ thìa cà phê gia vị

- Nước 2 quả chanh tươi

- 1 thìa cà phê đường

- Hạt tiêu xay

- Muối

- Giấm


Cách làm:

- Lườn gà luộc chín, để nguội, thái mỏng thớ (như làm phở).

- Hành tây lột vỏ, bổ múi cau, chiều dài như miếng thịt gà đã xé, trộn với muối và giấm, để ngấm khoảng 15 phút, sau đó bóp nhẹ, đổ nước ra rá và xối cho sạch hết mùi hăng, ép nhẹ tay cho khô nước.

- Cho gà và hành tây vào một âu, trộn đều gia vị, nước chanh tươi, đường, hạt tiêu xay. Bạn có thể tăng lượng chanh, đường nếu thích.

- Rau răm thái nhỏ, cho vào trộn sau cùng.

- Thái cà chua xếp quanh đĩa rồi bày gỏi vào giữ. Các miếng hành giòn, không có mùi hăng, thịt gà ngấm gia vị, vị chua, mặn, ngọt vừa đủ, hài hòa, không gắt quá là đạt yêu cầu.

Gỏi xoài tôm thịt

Nguyên liệu:

- Thịt ba chỉ: 200gr
- Tôm lớp: 200gr
- Xoài xanh: 1 quả
- Dưa chuột: 2 quả
- Hành tây: 1/2 củ
- Cà rốt: 1 củ
- Đường, nước mắm
- Chanh, ớt, tỏi, rau mùi, hành khô, lạc


Cách làm

- Các bạn ướp thịt với hạt nêm, đường và hạt tiêu, đợi 30 phút cho thịt ngấm.

- Rán thịt chín vàng 2 mặt, thái miếng mỏng.

- Tôm hấp hoặc luộc chín, bóc vỏ bỏ đầu, chẻ làm đôi.

- Xoài xanh, cà rốt, dưa chuột bào sợi.

- Hành tây thái khoanh mỏng, ngâm nước lạnh cho bớt hăng.

- Pha nước trộn gỏi theo tỉ lệ: 1 đường : 1 nước mắm (nếu nước mắm mặn các bạn hòa thêm với 1 nước), tỏi + ớt băm. Vì xoài xanh vốn chua nên trong phần nước trộn gỏi sẽ không có dấm, các bạn bóc thêm vài tép chanh thả vào bát nước trộn cho thơm.

- Vì độ thẩm thấu của hành tây và cà rốt lâu hơn nên các bạn sẽ rưới phần nước trộn gỏi vào trước.

- Lạc rang vàng, giã dập, hành khô thái lát mỏng phi thơm.

- Xếp các nguyên liệu vào bát to, rưới nước trộn gỏi, dùng đũa hoặc bao tay nilon bóp trộn cho đều.

Khi ăn mới trộn rau mùi, rắc hành phi và lạc rang lên trên.

Sung trộn tôm thịt

Nguyên liệu:

- Thịt ba chỉ: 200 gr
- Xà lách, rau thơm, chanh, ớt
- Mắm nêm
- Tôm chua
- Sung muối
- Lạc, vừng


Cách làm:

- Thịt mua về các bạn trần qua nước sôi cho ra bớt nước hoi, sau đó mới thả thịt vào nồi luộc chín. Kiểm tra thịt đã chín chưa bằng cách dùng đũa xiên thử vào giữa miếng thịt, nếu không thấy nước màu hồng tiết ra tức là thịt đã chín.

- Vớt thịt ra đĩa, đợi thịt nguội các bạn đem xắt nhỏ.

- Xà lách rau thơm nhặt rửa sạch. Sung muối băm vụn, tôm chua xắt hạt lựu, vừng lạc rang vàng rồi giã dập.

- Trộn sung muối, tôm chua, thịt luộc với 1-2 thìa mắm nêm (tùy vào độ mặn của mắm), đồng thời các bạn rưới thêm 1 chút nước cốt chanh cho thơm nhé.

- Rắc tiếp vừng lạc đã giã dập vào trộn đều, nếu thích ăn cay các bạn thái thêm vài lát ớt vào cùng nhé.

Xếp xà lách và rau thơm xuống dưới để ăn kèm, xúc sung trộn tôm thịt phủ lên trên sao cho đẹp mắt rồi cùng mọi người thưởng thức nhé. Một chút biến tấu từ món sung (vả) trộn tôm thịt, hi vọng sẽ giúp các bạn và gia đình có thêm 1 món ăn ngon, lạ bổ sung vào mâm cỗ ngày Tết.
Xem chi tiết …

2 MÓN KHÔNG THỂ THIẾU TRONG MÂM CỔ TẾT MIỀN NAM

08:49 |
Đó là những món ăn mà hầu như ngày Tết nhà nào cũng có.

Nếu như trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc không thể thiếu bánh chưng, thịt gà, xôi đỗ… thì với người miền Nam, hai món canh khổ qua dồn thịt và thịt khi hột vịt nước dừa cũng vô cùng quan trọng không kém.

Mỗi một món ăn thờ cúng của người miền Nam đều có những ý nghĩa rất riêng biệt. Ngay cả hoa quả thờ cũng vậy. Theo nhiều người chia sẻ, khác với người Bắc là gia đình người miền Nam thường kiêng kỵ thờ quả có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có chuối (vì âm chuối đọc như “chui nhủi”, ngụ ý thất bại), cam (“quýt làm cam chịu”), lê (“lê lết”), táo (người Nam gọi là “bom”), lựu (“lựu đạn”) và không có cả sầu riêng, dù người Nam bình thường rất thích ăn sầu riêng, và không chọn trái có vị đắng, cay.

Đó là lý do tại sao người Miền Nam lại lựa chọn món canh khổ qua để làm món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Theo quan niệm của họ, “khổ qua” là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn. Xong, đây cũng là món ăn rất mát, có thể giúp bạn giải ngán trong những Tết ăn nhiều chất đạm như thế này.

Người miền Bắc cũng có món khổ qua dồn thịt (mướp đắng nhồi thịt) tuy nhiên ít khi họ chế biến thành canh. Hãy thử trải nghiệm văn hóa ẩm thực đầy chất tâm linh của người miền Nam qua món khổ qua dồn thịt này nhé!

Canh khổ qua dồn thịt

Nguyên liệu:
- 1kg khổ qua (lựa trái ngắn, nở gai to)
- 300g thịt nạc dăm
- 1 lòng trắng trứng
- 1g nấm mèo khô (mộc nhĩ)
- 1/2 kg xương
- 100g cá thác lác
- 5 tép hành lá, ngò, tiêu, muối, bột ngọt
- 5 củ hành tím, ớt, nước mắm

Theo quan niệm của người miền Nam, “khổ qua” là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn (Ảnh: Internet)


Cách làm:

- Khổ qua: Dùng dao rạch 1 đường ở giữa không bị đứt hết trái, móc hột bỏ ra rửa sạch để ráo.
- Thịt: Rửa sạch, bằm hoặc xay nhuyễn ướp chút tiêu, muối, bột ngọt, hành lá lấy phần trắng.
- Cá: nêm chút muối, tiêu, bột ngọt, dầu ăn quết cho dai.
- Hành lá: Rửa sạch, cắt ngắn 2cm phần trắng giã nhuyễn cho vào thịt cá..
- Củ hành: Bóc vỏ bằm nhuyễn, phi với dầu ăn cho vàng thơm.
- Ớt: Bỏ hột thái xéo mỏng.
- Xương: Rửa với nước muối xả sạch, chặt nhỏ hầm lấy 2 lít nước dùng.
- Khổ qua cắt làm đôi, dùng mũi dao nhỏ khoét bỏ phần hột, rửa sạch, để ráo nước.
- Trộn chung thịt, cá, nấm mèo, 1 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, củ hành, hành lá lấy phần trắng.
- Nêm lại vừa ăn, dồn nhân này vào trái khổ qua.
- Nấu sôi nước dùng trở lại cho khổ qua vào hầm lửa riu riu vớt bọt để nước được trong.
- Khi tất cả chín nêm lại vừa ăn (tiêu, muối, bột ngọt, nước mắm) nhấc xuống.
- Múc canh ra tô, rắc thêm tiêu, hành lá và ngò.
- Ăn nóng với chén nước mắm nguyên chất + ớt thái khoanh.

Lưu ý: có thể tăng hoặc giảm thịt và nguyên liệu bằng cách so sách với lượng ruột khổ qua. Lượng ruột bao nhiêu thì lượng nguyên liệu nhồi vaò tương đương là vừa khéo.
Để xem khổ qua nhồi thịt chín chưa, bạn có thể thử bằng cách châm vào một que tre nhỏ, thanh xuyên qua trái dễ dàng là được.

Thịt kho hột vịt nước dừa (thịt kho tàu)

Trong những ngày đầu năm mới, ở miền Nam nhà ai cũng chuẩn bị một nồi thịt kho tàu để đón Tết. Món ăn là sự kết hợp giữa những khúc thịt ba rọi, hột vịt luộc trong cái vị hơi ngọt và béo của nước dừa tươi.

Thịt kho tàu có thể ăn được với nhiều món như củ kiệu, dưa giá, dưa cải chua nhưng ngon nhất là ăn kèm với dưa giá. Cái vị chua chua mặn mặn của dưa giá hòa quyện trong vị ngọt, bùi và hơi béo của thịt kho làm mất đi cảm giác ngấy và đem lại món ăn ngon miệng trong những ngày đầu năm mới.

Nguyên liệu:

- Thịt bắp đùi heo: 3 kg
- Trứng vịt: 15 quả
- Hành ta: 4 củ
- Dừa xiêm: 4 quả
- 1 củ tỏi, 5 quả ớt


Thịt kho tàu có thể ăn được với nhiều món như củ kiệu, dưa giá, dưa cải chua nhưng ngon nhất là ăn kèm với dưa giá (Ảnh: Internet)

Cách làm:

- Thịt cạo rửa sạch, để ráo nước, thái miếng to.
- Ướp gia vị vào thịt (4 thìa cà phê đường, 3,5 thìa cà phê muối, 3 thìa cà phê mì chính, 1/8 thìa cà phê ngũ vị hương, hành tỏi giã nhuyễn), để hai giờ cho thấm.
- Xào thịt cho săn lại. Cho 1/2 thìa cà phê nước màu, 1 bát ăn cơm nước mắm (200g). Khi nước mắm và thịt sôi lên, đổ nước dừa vào nồi.
- Trứng vịt luộc chín bóc vỏ, cho vào nồi. Thả ớt vào kho chung.
- Đun nhỏ lửa, hớt bọt cho đến khi thật mềm là được.

(Tổng hợp)


Xem chi tiết …

ĐẸP MẮT XÔI BA MÀU

17:08 |
Món xôi 3 lớp với màu tím của lá cẩm, màu xanh của lá nếp, quyện với một lớp đỗ xanh bùi màu vàng, có thể dùng để đãi khách khi nhà có tiệc, dịp ăn hỏi, đám cưới hay lễ Tết để cúng tổ tiên.

Ẩm thực Tết - Du Lịch Tết
Nguyên liệu:

- Phần xôi lá cẩm: 1 nắm lá cẩm, 1,5 bát con gạo nếp, 3 thìa súp đường, 1 thìa nhỏ muối, 1 thìa nhỏ dầu ăn. Nếu không có lá cẩm bạn có thể thay thế bằng một vài giọt màu thực phẩm màu tím 
- Phần xôi lá nếp: 1 bó lá nếp nhỏ (hay còn gọi là lá dứa), 1,5 bát con gạo nếp, 2 thìa súp đường, 1 thìa nhỏ muối, 1 thìa nhỏ dầu ăn.
- Phần đỗ xanh: 1/4 bát con đỗ xanh, 3 thìa súp đường, 1 thìa nhỏ dầu ăn
- Khuôn dùng để ấn xôi hay khuôn nhựa làm bánh trung thu 
- Vừng, lạc rang thêm muối, đường dùng kèm với xôi.

Cách làm:


Bước 1:

- Lá cẩm rửa sạch, lặt lấy lá, bỏ cọng. Cho lá cẩm vào nồi, thêm vào một ít nước lọc, đun sôi đến khi lá cẩm ra màu tím hồng thì lọc lấy phần nước lá cẩm để riêng, bỏ bã.


Bước 2:
- Gạo nếp đãi sạch, cho một nửa số gạo nếp ngâm vào âu nước lá cẩm, thêm vào một ít muối, ngâm qua đêm.


Bước 3:

- Hôm sau đổ gạo nếp ra rổ cho ráo nước, cho gạo vào chõ hấp xôi, hấp chín, thỉnh thoảng xới đều và thêm đường, muối, dầu ăn vào nồi xôi, nêm gia vị vừa ăn, đun đến khi xôi chín dẻo thì tắt bếp.



Bước 4:

- Lá nếp rửa sạch, cắt thành từng khúc ngắn. Cho lá nếp vào máy sinh tố, thêm một ít nước lọc, xay thật mịn, lọc lấy nước cốt lá nếp bỏ bã lá.



Bước 5:

- Nửa gạo nếp còn lại cho ngâm vào âu nước lá nếp, thêm vào một ít muối, ngâm qua đêm.



Bước 6:

- Hôm sau đổ gạo nếp ra rổ cho ráo nước, cho gạo vào chõ hấp xôi, hấp chín, thỉnh thoảng xới đều và thêm đường, muối, dầu ăn vào nồi xôi, nêm gia vị vừa ăn, đun đến khi xôi chín dẻo thì tắt bếp.



Bước 7:

- Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho sạch, ngâm vào nước ấm khoảng 1 tiếng.


Bước 8:

- Cho đỗ xanh vào nồi, thêm nước lọc xâm xấp với mặt đỗ, đun đến khi hạt đỗ nở bung, mềm thì cho đỗ xanh vào nồi xay thật mịn với đường cát trắng.


Bước 9:

- Cho đỗ xanh lại vào nồi, dùng muôi gỗ đảo đến khi mặt đỗ xanh ráo bớt nước thì để nguội, cất vào tủ lạnh, đỗ xanh sẽ tiếp tục khô bề mặt.


Bước 10:

- Phần xôi lá cẩm, lá nếp sau khi nấu để còn ấm, thì dùng thìa múc một ít xôi lá cẩm cho vào đáy khuôn (mặt đáy khi lật ngược lại là phần mặt khuôn), dùng tay ấn chặt để phần xôi bám chặt vào khuôn, làm cho hết phần xôi.


Bước 11:

- Dùng thìa múc một ít đỗ xanh đặt vào giữa khuôn, dùng thìa dàn đều.


Bước 12:

- Cuối cùng là thêm lớp xôi lá nếp, dùng thìa múc xôi cho lên bề mặt, ấn chặt tay để xôi kết dính với hai phần trước.


Bước 13:

- Dùng màng thực phẩm bọc kín khoảng 15 phút, sau đó lật ngược phần đáy đặt lên đĩa, dùng kèm với lạc và vừng ran
Xem chi tiết …

SẮC MÀU RAU CÂU

17:00 |
Mứt rau câu với nhiều màu sắc đẹp mắt, giòn, dai, thoang thoảng hương bưởi. Bạn hãy trổ tài làm món mứt thú vị này đãi khách dịp Tết nhé!


Nguyên liệu:

- 1 gói bột rau câu 25g
- 1 lít nước lọc
- 3/4 bát con đường cát trắng
- Vài giọt tinh dầu hoa bưởi
- Vài giọt màu thực phẩm.

Cách làm:


Bước 1:

- Đổ bột rau câu vào nồi có chứa 1 lít nước.


Bước 2:

- Dùng muôi hòa tan rau câu với nước, để yên khoảng 30 phút trước khi đun.


Bước 3:

- Đặt nồi lên bếp, đun sôi lửa nhỏ đến khi bột rau câu tan hoàn toàn thì cho đường vào đun cùng, đun lửa nhỏ đến khi đường tan, bạn nhớ hớt bỏ bọt rau câu.

- Cho vào vài giọt tinh dầu hoa bưởi vào nồi rau câu, tắt bếp.


Bước 4:

- Đổ rau câu vào từng khuôn, mỗi khuôn nhỏ một vài giọt màu thực phẩm.


Bước 5:

- Dùng muôi trộn đều cho màu tan hoàn toàn. Để nguội cho vào tủ lạnh 3-4 tiếng đến khi rau câu đông cứng lại.


Bước 6:

- Rau câu sau khi đông, úp ngược ra thớt, dùng dao hình gợn sóng, cắt thành từng từng thỏi dài tầm 6cm, chiều ngang 1,5cm, dày 1cm.


Bước 7:

- Làm lần lượt đến hết rau câu. Bạn không nên cắt nhỏ quá vì khi sấy mứt sẽ nhỏ lại.


Bước 8:

- Xếp từng mẻ rau câu vào khay. Có hai cách sấy, bạn có thể đem khay mứt phơi từ 2-3 nắng lớn (khi phơi bạn nhớ phủ vải lưới mỏng để không bị ruồi muỗi). Hoặc có thể cho vào lò nướng, không đóng cửa lò nướng, sấy ở nhiệt độ 60 độ C đến khi rau câu khô hẳn.


Bước 9:

- Xếp từng thỏi mứt vào lọ thủy tinh sạch, dùng dần.


Xem chi tiết …