Hai ngày cuối tuần cận Tết, các siêu thị tại TPHCM đón lượng khách mua sắm tăng vọt. Tại các chợ, sức mua vẫn còn chậm
Ngày chủ nhật, 3-2 (tức 23 tháng chạp), mới hơn 9 giờ nhưng Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10-TPHCM) đã đông cứng người. Tại lối đi giữa các kệ, khách phải lách qua nhau để chọn hàng, nhất là tại các khu vực bán bánh mứt, nước giải khát, thực phẩm đông lạnh và quần áo thời trang. Tại BigC Tô Hiến Thành (quận 10 - TPHCM), tình trạng cũng tương tự.
Ken chân vào siêu thị
Tại khu vực bán hàng tự chọn của BigC Tô Hiến Thành, khách hàng chen nhau từng bước chân. Do lượng người quá đông, loa phát thanh của siêu thị liên tục phát thông báo nhắc nhở khách hàng cẩn thận giữ gìn tư trang, đồ đạc vì ngại các đối tượng móc túi trà trộn. Nhiều người dùng xe đẩy hoặc giỏ kéo khó lách qua đám đông nên bỏ, chuyển qua dùng giỏ xách. Các loại thực phẩm dùng hằng ngày, bánh mứt, nước ngọt, bia, hàng đông lạnh… được mua nhiều nhất. Tại các quầy tính tiền, khách rồng rắn xếp hàng chờ đến lượt mình.
|
Mua sắm Tết - Du Lịch Tết |
Chị Diễm Phúc, nhà ở huyện Bình Chánh - TPHCM, cho biết rút kinh nghiệm những năm trước siêu thị luôn đông trong những ngày giáp Tết, năm nay, chị đến BigC từ hơn 8 giờ. Vậy mà mua xong, chị vẫn phải xếp hàng gần 1 giờ mới được tính tiền.
Tại các siêu thị Citimart, Maximark, lượng khách mua sắm cũng tăng đột biến so với tuần trước, nhất là vào buổi trưa và chiều tối.
Không chỉ đông đúc trong ngày cuối tuần mà từ chiều tối thứ sáu (1-2), người tiêu dùng TPHCM đã đổ về các siêu thị sắm Tết. Doanh thu của một số siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM trong 3 ngày qua đã tăng 50% - 70% so với trước đó, riêng hệ thống Co.opmart tăng đến trên 80%.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết theo thông lệ, khi thị trường khó khăn thì khách hàng sẽ mua sắm trễ. Năm nay cũng vậy. Từ cuối tuần trước, sức mua tại các siêu thị mới tăng mạnh. Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, cũng cho biết từ cuối tuần trước, khách hàng bắt đầu tập trung mua hàng tiêu dùng Tết, trước đó thì chủ yếu mua để biếu, tặng. Dù giá trị hóa đơn không giảm nhưng để ý kỹ, giỏ hàng của khách chủ yếu là những thứ cần dùng trong ngày Tết.
“Giá trị đơn hàng không giảm cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng giảm mua sắm bởi so với Tết Nhâm Thìn 2012, hầu hết các mặt hàng đều đã tăng giá ít nhất 5% - 10%”- lãnh đạo một siêu thị nhận xét.
Hàng chợ chờ khách
Trái ngược với không khí sôi động ở các siêu thị, sức mua tại các chợ vẫn chưa khá hơn ngày thường là mấy. Ngay sáng chủ nhật, khách đi chợ chủ yếu mua hoa tươi, trái cây và đồ cúng ông Táo, các khu vực khác vẫn hoạt động như ngày thường.
Khảo sát tại các chợ “nhà giàu” ở TPHCM như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6)…, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng mua bán không mấy xôm tụ. Bánh mứt, đặc sản Tết bày la liệt nhưng người bán đông hơn người mua. Dù vậy, giá các loại đặc sản như tôm khô, khô mực, khô bò… vẫn tăng khoảng 10% so với tháng trước. Tại chợ An Đông, giá tôm khô loại 1 đã lên đến 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg, khô mực loại 1 giá 650.000 - 800.000 đồng/kg…
Theo các tiểu thương, chợ ngày càng ế vì không thể cạnh tranh được với các siêu thị. Bản thân tiểu thương sau khi tan chợ cũng đi siêu thị mua sắm Tết vì hàng bán ở siêu thị có bao gói, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và quan trọng hơn là năm nay, hàng Tết bán tại siêu thị khuyến mãi nhiều. Tính ra, giá nhiều mặt hàng tại siêu thị rẻ hơn ở chợ; người mua còn được nhiều quyền lợi kèm theo như các chương trình chăm sóc khách hàng, tặng quà cuối năm…