Còn vài tháng nữa là
Tết Ất Mùi đến rồi đấy!!! Một năm nữa lại sắp qua, chúng ta lại chuẩn bị chào đón một năm mới sắp đến thôi nào.
Để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng này, nhà nhà, người người ráo riết chuẩn bị mọi thứ cho năm mới, sửa sang, lau dọn nhà cửa một cách cẩn thận nhất.
Giao thừa, là thời khắc quan trọng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Lúc này đất trời giao hòa, vạn vật toát lên một sức sống mới bởi sự hòa quyện của âm dương.
Người Việt Nam xưa có phong tục cúng giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ tịch ngoài trời và cúng lễ trong nhà chuẩn bị cho người đến xông đất đầu năm và mang thần tài vào nhà.
Cũng giống như chúng ta, mỗi chức vụ đều có nhiệm kỳ thì các vị thiên binh khi xuống hạ giới đi ngang qua nhà để bàn giao công việc, tiễn vị hành khiển cũ và đón vị hành khiển mới. Tổng cộng có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (vị thần giúp việc cho các vị hành khiển), mỗi vị làm một năm dưới dương gian và cứ sau 12 năm thì lại có sự luân phiên trở lại.
Người xưa hình dung rằng trong giây phút này, các vị nhà trời rất đông, tấp nập, vội vã nên chỉ thực hiện công việc ngoài nhà nên mâm cúng mới được đặt bên ngoài để các vị có thể ăn. Nhưng mà họ ăn rất vội vàng hoặc mang theo và thậm chí là chỉ có thể chứng kiến lòng thành của chủ nhà thôi đấy.
Đến nay, khi cuộc sống hiện đại hơn thì mọi thứ cũng được đơn giản hóa hơn. Cho nên trên mâm lễ gồm: thủ lợn hoặc con gà, mứt kẹo, trầu cau, bánh chưng, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi còn có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển nữa nha.
Còn trên chiếc hương án gồm: bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến.
Đến giờ phút giao thừa, chủ gia đình phải thắp nến, đèn, rót rượu, rồi khấn vái trước án. Văn khấn này có thể viết ra giấy rồi đọc, sau khi hết 3 tuần hương thì dâng cúng tờ giấy viết văn khấn này cùng vàng mã.
Sau khi hoàn thành việc cúng giao thừa thì gia chủ cũng khấn Thổ Công (vị thần cai quản trong nhà), ở Nam Bộ thì Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất và lễ vật cũng giống như lễ vật cúng giao thừa để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết với chúng ta. Sau khi cúng xong thì chính thức Tết đã thực sự đến với gia đình rồi nhé.
Trước khi cúng giao thừa, thường gia chủ sẽ kén một người “dễ vía” trong gia đình đi ra từ trước thời điểm giao thừa, sau khi lễ cúng giao thừa kết thúc thì người này hái cành lộc hoặc cũng có thể là xin hương lộc ở chùa mang về. Khi về đến nhà thì tất nhiên là lúc này đã sang năm mới rồi nên là người này sẽ tự “xông nhà” (tức là người bước chân đầu tiên vào nhà sau giao thừa) cho chính gia đình mình và mang theo sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình luôn đấy.
Còn nếu trong gia đình không có người “dễ vía” gia chủ cũng sẽ chọn trước người hạp với Mạng và Thiên Can với gia chủ để vào nhà xông đất. Dĩ nhiên là người này đã được lựa chọn rất kỹ để đảm bảo sự may mắn cho gia chủ trong suốt 1 năm, và họ được nhờ đến sớm vào ngày mùng 1 để trước khi có khách tới chúc
Tết. vậy mới gọi là xông nhà chứ.
Bên trên là sơ lược về cách cúng giao thừa ngày tết cũng như chọn người xông đất cho ngôi nhà của mình. Bạn đọc tham khảo và chúc mọi người sẽ đón một cái Tết an lành bên người thân và gia đình nhé !!!!!!